Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Khốc hướng Kim Lăng

Việc đời tính rất thông minh
Việc mình mình tính phận mình vẫn sai

Trong Kim Lăng Thập nhị thoa Chính sách 12 người 12 vẻ, bao gồm hết những người con gái đẹp nhất, tiêu biểu nhất trên thế gian này. Nếu không chọn được một trung nhân trong 12 thoa ấy thì thế giới này chẳng còn ai cho bạn chọn nữa. Nhưng trong 12 lá ngọc cành vàng kia chỉ có một người xứng đáng là phượng hoàng, dù là chim phượng lỗi thời đi nữa ! Trong bài viết này tôi không nói về cuộc đời của Phượng Thư, mà chỉ bàn đến khía cạnh tính cách con người của nàng. 

Phượng Thư đáng yêu không? Có !
Phượng Thư đáng ghét không? Có !
Phượng Thư đáng thương không? Có !
Phượng Thư đáng giận không? Có !

Mà tất cả yêu thương hờn ghét đó đều gói ghém trong một con người, một hành động, một sự việc. Sự yêu ghét ấy không thể tách bạch rõ ràng mà là trong yêu có ghét trong giận có thương. Hãy xem Phượng Thư lộng lẫy đài các thế nào:

"Người này trang sức không giống các cô kia, gấm thêu lộng lẫy, trông như một vị thần tiên! Trên đầu, đỡ tóc bằng kim tuyến xâu hạt châu, cài trâm Ngũ Phượng Triêu Dương đính hạt châu, cổ đeo vòng vàng chạm con ly, mình mặc áo vóc đại hồng chẽn thêu trăm bướm lượn hoa bằng chỉ kim tuyến, ngoài khoác áo màu xanh lót bằng lông chuột bạch viền chỉ ngũ sắc, mặc quần lụa hoa màu cánh trả; mắt phượng, mày cong lá liễu, vóc người óng ả, dáng điệu phong lưu, thật là: 
Mặt phấn đầy xuân trông vẻ dịu. 
Làn son chưa hé miệng như cười."

 Mọi người yêu nàng, ta cũng có lý do để yêu nàng. Mọi người ghét nàng, ta cũng có lý do để ghét nàng.Tuy xinh đẹp nhưng Hy Phượng lại là người phụ nữ đanh đá, chanh chua, cay nghiệt và độc ác nên có biệt danh là Phượng ớt. Là người nắm tất cả quyền hành trong phủ Vinh, Phượng Thư ngày ngày cai quản mọi việc vô cùng khéo léo, thông thạo, có thể quán xuyến công việc nhà cửa nên được người trên như Giả mẫu hay Vương phu nhân rất quý mến, nhưng bị người dưới e ngại, có khi thù ghét. Tuy không biết đọc sách ngâm thơ nhưng nàng lại có đầu óc thông minh sắc sảo, giỏi tính toán, xứng đáng vào bậc nữ lưu hào kiệt trong phủ, nam nhân không thể so sánh được.
Hãy xem cách nàng ta yêu mến riêng em Lâm trước mặt Giả Mẫu, nếu là Bảo Ngọc thì không cần thắc mắc nhưng Đại Ngọc chỉ là một cô bé mồ côi đến ở nhờ Vinh phủ, gia thế lụn bại, thân cô thế cô, có gì đáng để ra sức nuông chiều? Hay cách mà nàng ta đối xử với tình địch trước mặt mọi người, trăm chiều ve vuốt tán dương. Ta ghét vẻ ton hót giả dối của Phượng Thư nhưng cũng phải thừa nhận đó là bản lĩnh khôn ngoan sắc sảo của nàng. Trong một gia đình phong kiến quý tộc thì sự tồn tại và địa vị phải dựa vào bản lĩnh. nếu Phượng Thư không có bản lĩnh ấy, có lẽ đã sớm ra thiên cổ hay sống mờ nhạt như góa phụ đạo đức Lý Hoàn. Hy Phượng cũng như Sử Tương Vân, là người khoáng đạt tự tin, lời nói tự nhiên thẳng thắn không đâm móc đá xéo. Tuy không có lưỡi câu ngầm trong miệng như Đại Ngọc hay cái lưỡi bén như đao kiếm của Bảo Thoa, mà nàng ta giết người không cần gươm dao, không cần lời nói, chỉ im im cũng khiến người ta chết trong khổ ải tận cùng.

Nạn nhân đầu tiên của Phượng Thư là anh chàng trẻ tuổi học thói trêu hoa ghẹo nguyệt Giả Thụy. Mới ra đời học bài vỡ lòng, chọn ai không chọn lại chọn ngay Hy Phượng mà đùa, đúng là con người khờ dại lắm. Phượng Thư lại là người độc ác dã man, đâu biết vị tình. Thật ra dù có thể bỏ qua cho anh chàng non người bồng bột ấy nhưng không, nàng quyết lập mưu giết anh ta tới chết với cái gương Phong Nguyệt Bảo Giám mới thôi. Chàng ta tới chết vẫn không hiểu vì sao mà chết. Chết vì trời lạnh cảm thương hàn hay chết vì lòng dạ băng giá của Phượng Thư ? Lòng người lạnh còn đáng sợ hơn trời lạnh. Những người si tình khờ dại trong Hồng Lâu Mộng quyết không ai có được kết cục tốt đẹp. Nói thêm về cái gương Phong Nguyệt Bảo Giám ấy, đó là một uyển ngữ đặc sắc cho tinh thần đạo gia: Thân xác vốn là tạm bợ, nhan sắc phấn son kết cục cũng chỉ là tro bụi, ngộ ra đạo lý ấy sẽ thấy mỹ nhân chẳng qua chỉ là hạng đầu lâu bôi phấn mà thôi. Bộ xương người là phản chiếu sự thật phía sau dung mạo mỹ miều của Hy Phượng, Giả Thụy cứ si mê theo đuổi ảo ảnh mà chết trong ảo ảnh ấy, ngẫm anh chàng đáng thương, mà thiên hạ cũng còn lắm người rất đáng thương.

Nạn nhân thứ hai là quốc sắc thiên hương Vưu Nhị Thư, tình nhân xinh đẹp của anh chồng Giả Liễn. Giả Liễn là mẫu đàn ông được lắm người yêu mến vì vẻ phong nhã đẹp trai, có chút thi thư lãng mạn, dáng vẻ phong lưu đa tình, lại gia thế lẫm liệt tiền cài bạc giắt. Có anh chồng như thế công cuộc giữ chồng thật là một trấn chiến phấn son. Trận mạc phấn son cũng ác liệt không kém gì giữa làn tên lưỡi giáo, có kẻ thắng người thua, kẻ chết người còn. Một Bình Nhi xinh đẹp hiểu đời, một Thu Đồng đanh đá chua ngoa đã lắm phiền não, lại còn thêm cô Đa cô Thiểu cô Vưu.... Những vệ tinh lớn nhỏ ấy không ai tránh được tính ghen tuông ác nghiệt của Phượng Thư. Nàng ta ghen đến nỗi tuy Bình Nhi là người hầu bên cạnh nhưng anh chồng Giả Liễn dù có thèm chết cũng không dám rờ mó mà Bình Nhi dù muốn an ủi Giả Liễn cũng phải ngó trước dòm sau. Khi nàng ta nổi ghen cũng bất kể xấu đẹp gây một trận ồn ào trong Vinh phủ, Giả Mẫu phải đứng ra dàn xếp cho. Tuy vậy Bình Nhi là người hiểu chuyện, biết thân phận lại theo hầu Phương Thư từ nhỏ, là cánh tay nối dài của Phượng Thư nên cũng được dung dưỡng đôi phần. Còn Vưu Nhị Thư là người ngoài, là địch nhân thật sự. Nếu chỉ bắt về làm vạ với Giả Liễn thì đó không phải Phượng Thư. Trận đòn ghen ấy không chỉ giúp nàng đày đọa tình địch đến sống dở chết dở, hành hạ anh chồng đa tình mèo mỡ đau tưởng đứt ruột đứt gan cũng không dám khóc, tiện tay loại được cô nàng hầu tinh ranh đanh đá Thu Đồng, lại vừa tung hê chửi bới xỉa xói cả nhà Giả Trân từ đầu xuống gót vừa moi được thêm một mớ ngân lượng từ nhà Giả Trân nữa. Trừ Phượng Thư không ai có tâm kế độc địa đến vậy. Đàn ông thì sợ nàng, còn sớm tối nguyền rủa cho nàng ta mau chết. Đàn bà đọc đến đấy, tuy cũng ghê sợ rùng rợn trước thủ đoạn tàn nhẫn của Phượng Thư nhưng trong lòng phải bội phục mà tạc vào lòng bài học ghen tuông ấy.

Nạn nhân thứ ba, cánh tay nối dài của Hy Phượng, chính là cô hầu Bình Nhi. Tuy là thân tín trung thành nhất, vẫn không thoát khỏi thói cay nghiệt của Phượng Thư. Phương Thư đối đãi với chị em thì rộng rãi, với tôi tớ thì hà khắc, với cô hầu vợ lẽ của chồng thì hẹp hòi đố kỵ. Nhưng đàn bà âu là thế, càng ghen trông càng đáng yêu. Dù sao so với Hạ Kim Quế thì Phượng Thư mới chỉ độc chứ chưa ác. 

Nạn nhân thứ tư, vô cùng thê thảm, kẻ sống uổng người chết uổng, kẻ bỏ đi tu. Nạn nhân thứ tư của Phương Thư là một nhóm người vì kế tráo rường đổi cột của Hy Phượng mà ngọc tối vàng phai. Người đẹp nhất, tài hoa nhất, vì kim ngọc lương duyên hay mộc thạch tiền duyên mà kẻ si quá mà chết, người khôn quá cũng chết. Để cho hoa vùi trong đất lạnh, người ngọc khóc bên chăn gối lạnh, kẻ mang cõi lòng lạnh đi vào cửa thiền. Tất cả vì sự tàn nhẫn tham lam của Phượng Thư mà ra. Cô ta có thương Đại Ngọc không? Có ! Có yêu Bảo Ngọc không? Có ! Có mến Bảo Thoa không? Có! Vậy tại sao cô ta lại bày ra được mưu kế độc ác đến như vậy với họ? Chỉ bởi vì Phượng Thư là con người quá tàn độc ích kỷ nên không thể hiểu được rằng ái tình có thể khiến người ta sống chết vì nó. Đến khi tiếng nhạc tân hôn trỗi lên cùng khúc nhạc đưa ma Phượng Thư vẫn không hiểu vì sao Đại Ngọc chết, cô ta vẫn cho rằng em Lâm chết vì bệnh chứ không phải vì si tình. Nếu hiểu nguồn cơn bệnh tình của Đại Ngọc thì Hy Phượng đã không bày ra kế ấy, hại cả ba người dang dở, ôm trong lòng khối hận băng giá không thể nguôi ngoai.  

Nạn nhân của Phượng Thư còn vô số người nữa. Một tay Phượng Thư đã gây ra bao nhiêu cảnh trái ngang. Nhưng nạn nhân thê thảm nhất trong tay nàng lại chính là bản thân nàng. Ta thấy Hy Phượng không hề bị tàn phá bởi chữ tình như đa số nhân vật khác mà lại héo hon sầu khổ vì chữ Danh lợi. Phượng Thư ghen tuông rất dữ dội nhưng hãy xem cách mà cô ta ghen với cách mà Đại Ngọc ghen khác nhau như thế nào. Cô Lâm khi ghen thì tự dằn vặt bản thân, còn Hy Phượng khi ghen thì tình địch ắt chết thảm. Phượng Thư lộng quyền và không hề coi Giả Liễn ra ngô ra khoai gì, Giả Liễn chẳng qua chỉ để đảm bảo vị trí mợ hai trong Vinh phủ của cô ta mà thôi. Tình ái trong lòng Phượng Thư không hề tồn tại, chỉ là bắc thang lên danh vọng cho nàng. Để rồi cả đời lao tâm khổ tứ vì danh lợi ấy mà đến tính mạng cũng mất, con thơ lưu lạc bị hà hiếp trăm đường. Nếu không có Bình Nhi thì Xảo Thư đã gánh hết nghiệp chướng của mẹ. Cả một đời thông minh, xinh đẹp, tính toán trăm đường nhưng rồi đến lúc xuôi tay Danh chẳng còn lợi cũng buông rơi. Lúc trên cành cao như phụng hoàng xòe cánh, cất tiếng hót khiến ai nấy vừa mê thích vừa kinh sợ. Khi sa cơ như gà trong mưa, đến ổ đến con cũng không bảo vệ được, bất lực nhìn những xa hoa phù phiếm năm xưa trôi qua trước mắt, tan tành bụi khói...

Người ta ai cũng chết, có những người chết trong oan tình uất ức như Kim Xuyến, Tình Văn. Có những người ôm khối hận tình si mà chết như Đại Ngọc, Tam Thư, Nhị Thư. Có những người chết khi vẫn đang còn sống như Tích Xuân, Bảo Thoa. Lại có những người chết vì thuốc độc trong lòng họ như Kim Quế. Nhưng chết đau đớn, chết trong bất lực, chết trong sự chẳng cam tâm, chết trong dày vò giằng xé, xuôi tay mà không thể nhắm mắt thì chỉ có Phượng Thư. Tình Văn trước khi chết đi còn có Bảo Ngọc làm tri kỷ tạ tình nàng. Còn Hy Phượng, khi đắc thời dốc sức lo tang ma cho người khác linh đình rộn rã, đến khi nằm xuống chẳng một ai thương cảm đoái hoài. Cuộc đời nàng phù hoa nhưng bạc bẽo như chính thứ Danh lợi Kim tiền mà nàng ta tôn sùng vậy.

Những người theo đuổi bốn chữ Danh lợi Kim tiền chỉ mang đến hạnh phúc nhất thời, không bao giờ mang đến hạnh phúc trọn đời. Khi nhận ra điều đó đã quá muộn màng, chỉ có thể nhìn lại Kim Lăng mà tự ngẫm nỗi bi ai, tự khóc cho mình bằng những giọt nước mắt sực mùi tanh. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét